Tắc ruột ở chó

14432
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Tắc nghẽn đường tiêu hóa ở chó

Tắc nghẽn đường tiêu hóa (gastrointestinal obstruction) là chỉ tình trạng tắc một phần hoặc tắc toàn bộ dòng chất dinh dưỡng (dạng cứng hoặc dạng lỏng) được ăn vào trong cơ thể, hoặc những chất được tiết ra từ trong dạ dày và thông qua ruột. Thuật ngữ gastro để chỉ dạ dày, trong khi đó intestinal đề cập đến một tình trạng của ruột. Theo đó, thuật ngữ này để chỉ tình trạng tắc nghẽn có thể xảy ra ở dạ dày hoặc ruột.

Tắc nghẽn đường tiêu hóa là một tình trạng xảy ra khá phổ biến. Nói chung chó có nguy cơ cao bị mắc tình trạng bệnh lý này bởi chúng có xu hướng ít phân biệt được cái chúng nên ăn. Tương tự như vậy, tình trạng trên cũng hay xảy ra ở những con chó ít tuổi với lý do tương tự như trên.

Cả chó và mèo đều có thể mắc tình trạng hoặc bệnh lý này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về ảnh hưởng của tình trạng này tới loài mèo, hãy truy cập vào trang này.

Triệu chứng và phân loại

Tắc nghẽn có thể xảy ra trong dạ dày hoặc ruột. Tắc nghẽn đường ra ở dạ dày dẫn đến tình trạng tích tụ thức ăn được ăn vào dạng cứng và dạng lỏng. Điều này có thể dẫn đến nôn ói, theo đó là mất nước, bao gồm cả dịch tiết của dạ dày giàu axít hydrochloric, cũng như tình trạng mất nước có thể xảy ra, con vật uể oải, và tụt cân, các tình trạng này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

Tắc nghẽn ruột non dẫn đến tích tụ thức ăn rắn và lỏng đã được tiêu hóa ở trong ruột tại vùng bị tắc; điều này dẫn đến tình trạng nôn ói và hệ quả là mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng, và tình trạng này còn phụ thuộc vào vị trí chính xác của tắc nghẽn ở ruột.Tổn thương đến lớp niêm mạc bảo vệ ruột và thiếu máu cục bộ ở ruột non (máu cung cấp cho ruột non bị hạn chế) có thể có nguy cơ dẫn đến xuất hiện độc tố trong máu.

Các triệu chứng cơ bản có thể xuất hiện bao gồm nôn ói, đặc biệt là sau ăn, chán ăn, yếu mệt, tiêu chảy và tụt cân.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa. Tắc nghẽn đường ra của dạ dày, tại đó đường đi của các chất trong dạ dày bị tắc nghẽn, nguyên nhân có thể là do con vật ăn phải dị vật, khối u, viêm dạ dày ruột (viêm đường tiêu hóa), hoặc hẹp môn vị – tình trạng này dẫn đến nôn ói nghiêm trọng ở con vật. Tắc ruột non – nơi đường ruột non bị tắc, có thể nguyên nhân là do con vật ăn phải dị vật, mắc khối u, thoát vị, lồng ruột (chỉ tình trạng có một đoạn ruột non chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận, dẫn đến tắc nghẽn), hoặc xoắn mạc treo – xoắn một phần của ruột xung quanh trục mạc treo, đây là màng liên kết giữa ruột và thành bụng.

Một loạt các yếu tố có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tắc nghẽn đường tiêu hóa, bao gồm ăn phải dị vật, cũng như lồng ruột liên quan đến ký sinh trùng đường ruột.

Chẩn đoán

Một thủ thuật chẩn đoán có thể giúp ích trong việc xác nhận tình trạng tắc nghẽn dạ dày và tắc ruột ở lân cận là nội soi, biện pháp này sử dụng một ống nhỏ có gắn camera rất nhỏ được đưa vào trong dạ dày thông qua miệng. Phương pháp này cũng cho phép lấy mẫu sinh thiết và thậm chí lấy được dị vật, có thể là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn.

Các xét nghiệm khác có thể hữu ích bao gồm phân tích nước tiểu (giúp loại ra những nguyên nhân khác gây nên các triệu chứng tương tự, như bệnh gan), và siêu âm bụng có thể cho thấy dị vật nằm trong dạ dày hoặc đường ruột của con vật .

Điều trị

Con vật sẽ được tiến hành chẩn đoán và điều trị ban đầu tại bệnh viện. Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn, cũng như các biện pháp điều trị cần thiết khác nhằm giải quyết những ảnh hưởng thứ phát do tình trạng này gây ra, ví dụ như truyền dịch tĩnh mạch để tránh mất nước. Tình trạng càng được chẩn đoán và điều trị sớm bao nhiêu thì càng đạt hiệu quả tốt bấy nhiêu

Chăm sóc

Sau khi tiến hành điều trị ban đầu, các triệu chứng và sự tiến triển của tình trạng bệnh cần được kiểm soát. Quan trọng nhất là phải bổ sung chất lỏng bị mất (ví dụ, do nôn ói và tiêu chảy nhiều) nhằm tránh mất nước. Các hoạt động vận động cũng cần được hạn chế, và chế độ ăn cũng nên bao gồm thức ăn nhạt trong một đến hai ngày, sau đó dần trở về chế độ ăn bình thường. Cần lưu ý rằng không được cho con vật ăn trực tiếp bằng miệng cho đến khi tắc nghẽn được giải quyết và con vật không còn tình trạng nôn ói.

Phòng ngừa

Nếu con vật có xu hướng ăn phải dị vật thì tình trạng này có thể lặp lại, do vậy bạn cần phải để ý và có biện pháp phòng ngừa bởi điều này trở thành một phần quan trọng nhằm tránh lặp lại tình trạng tắc hệ tiêu hóa. Ví dụ, không để thùng rác mở để con vật có thể dễ dàng vào đó.