8 vấn đề liên quan đến tai thường gặp ở mèo

11870
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Các vấn đề liên quan đến tai thường gặp ở mèo

Mèo hiếm khi báo hiệu cho chủ biết đôi tai chúng không khỏe. Các triệu chứng phổ biến nhất là gãi và lắc đầu, nhưng đây có thể là do nhiều bệnh khác nhau với các cách điều trị khác nhau. Nhưng nếu thực sự quan tâm đến con mèo nhà bạn thì vẫn có mẹo giúp nhận ra được những vấn đề về tai thường gặp ở mèo và những dấu hiệu đó sẽ giúp bạn tìm được nguyên nhân, cách điều trị bệnh. Đọc các phân tích dưới đây để hiểu rõ hơn.

Ve tai

Ve tai là ký sinh trùng nhỏ bé thích sống bên trong và quanh tai mèo. Chúng dễ dàng lây truyền giữa các con mèo với nhau và thường gặp ở mèo con. Ve tai khiến mèo lắc đầu và gãi quanh tai, đầu và cổ. Để xác định xem con mèo nhà bạn có ve tai hay không, hãy kiểm tra tai mèo có những dấu hiệu trông giống bã cà phê không. Nhẹ nhàng lấy ra một đoạn và đặt trên nền tối. Ve còn sống có màu trắng, dạng đốm, có kích thước bằng đầu pin (sử dụng kính lúp để quan sát rõ hơn). Bác sĩ thú y sẽ giúp bạn xác nhận chẩn đoán bằng cách xem mẫu thử dưới kính hiển vi.

Các loại thuốc điều trị ve tai mèo không theo đơn hiện có bán trên thị trường và sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu bạn tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn. Hoặc có thể nhờ đến bác sĩ thú y vệ sinh tai mèo và kê đơn thuốc loại bỏ ve chỉ trong một lần. Để đuổi đám ve khỏi nhà bạn, hãy đảm bảo tất cả vật nuôi đều được điều trị.

Nhiễm trùng tai ngoài

Nhiễm vi trùng và nấm (nấm men) ở tai ngoài thường trông khá giống với nhiễm trùng ve tai. Các triệu chứng như gãi và lắc đầu về cơ bản là giống nhau, nhưng nếu bạn nhìn kỹ vào tai, bạn có thể nhận thấy một số khác biệt. Nhiễm trùng tai thường làm cho tai mèo trở nên đỏ và sưng lên hơn so với nhiễm trùng ve tai và có mùi hôi rõ rệt.

Để điều trị đúng cách nhiễm trùng tai, bác sĩ thú y trước tiên phải kiểm tra mẫu lấy từ tai dưới kính hiển vi để xác định nấm men hay vi khuẩn (và loại vi khuẩn nào) là nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ rửa sạch tai mèo, khám bên trong tai để xác định mức độ tổn thương và kê đơn điều trị thích hợp. Đơn có thể bao gồm thuốc rửa tai, thuốc bôi, thuốc uống chống nhiễm trùng, giảm đau và chống viêm dựa trên các chẩn đoán cụ thể về trường hợp của con mèo nhà bạn.

Nhiễm trùng tai giữa và tai trong

Đôi khi phần tai giữa và tai trong bị nhiễm trùng là do nhiễm trùng tai ngoài đã ăn sâu hơn vào phía trong hoặc do vi khuẩn đã lây truyền qua mạch máu hoặc ống Eustachian (ống nối tai giữa và mặt sau của mũi).

Các triệu chứng nhiễm trùng tai giữa và tai trong tùy thuộc vào chính xác phần nào của tai bị ảnh hưởng và một hay cả hai tai bị ảnh hưởng, nhưng chủ nuôi có thể thấy mèo lắc đầu, cọ xát tai, nghiêng đầu, chán ăn, thờ ơ, suy nhược ở một bên mặt, nheo mắt, mí mắt thứ ba nâng lên, kích thước đồng từ không bằng nhau, chuyển động mắt bất thường, đi lại khó khăn hoặc nghe kém.

Để chẩn đoán nhiễm trùng tai giữa và tai trong, bác sĩ thú y sẽ xem xét kết hợp các triệu chứng xuất hiện ở mèo và tiến hành khám (bao gồm khám tai), chụp X quang, chụp CT hoặc chụp MRI ở những vùng bị ảnh hưởng. Có nhiều cách điều trị như điều trị lâu dài bằng kháng sinh toàn bộ, thuốc bôi tại chỗ và phẫu thuật.

Polyp

Polyp mũi họng là Polyp phát triển lành tính bên trong tai giữa của mèo hoặc ống Eustachian, có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng tai giữa hoặc thở phì phò và chảy dịch mũi. Để chẩn đoán polyp mũi họng, bác sĩ thú y sẽ gây mê cho mèo, kiểm tra kỹ tai mũi họng (khu vực phía trên vòm miệng) và chụp X quang. Phẫu thuật cắt bỏ polyp là phương pháp chữa bệnh thường được áp dụng. Miễn là toàn bộ polyp được lấy ra thì bệnh sẽ không tái phát.

Bệnh ghẻ lở

Một số loại ve bét gây ghẻ lỡ như Notoedres cati dường như thích sống trên da xung quanh vùng đầu và tai mèo. Nhiễm ký sinh trùng này có thể làm mèo ngứa ngáy đến nỗi tự cào xước và làm thương bản thân. Vùng da bị ảnh hưởng trở nên dày, có vảy cứng. Bệnh có thể gây ảnh hưởng cho toàn cơ thể và thậm chí tử vong trong những trường hợp bệnh nặng. Để lên kế hoạch điều trị thích hợp, bác sĩ thú y phải kiểm tra các vết xước trên da dưới kính hiển vi để xác định loại ve gây bệnh và kê đơn thuốc diệt ký sinh trùng thích hợp.

Các vật lạ

Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy các cọng cỏ và những vật lạ khác mắc vào tai mèo, đặc biệt là những chú mèo thích ra ngoài. Khi đó, chúng thường sẽ lắc đầu và dùng chân vỗ vào tai.

Nếu nhìn vào tai mèo và có thể dễ dàng nhìn thấy một mảnh cỏ lớn hoặc một thứ gì đó thì nên cố gắng nhẹ nhàng kéo ra bằng ngón tay hoặc nhíp. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy làm vậy sẽ khiến mèo không thoải mái thì hãy dừng lại và gọi cho bác sĩ thú y ngay lập tức. Bác sĩ có thể tiêm thuốc mê cho con mèo và lấy vật đó ra ngoài một cách an toàn, kiểm tra tai để xem có bị tổn thương hay không và có biện pháp điều trị cần thiết để làm lành vết thương.

Vết cắn và vết trầy xước

Những con mèo thích chạy nhảy tung tăng ngoài trời hoặc sống trong một gia đình có nhiều mèo cũng có nguy cơ bị thương cao hơn bình thường. Vết cắn và vết trầy xước thường xuất hiện trong những trường hợp này và có thể gây ra vết rách, vết chích và các loại vết thương khác là nguyên nhân gây bệnh.

Bạn có thể chữa vết trầy xước và vết cắt nhỏ bằng cách vệ sinh vài lần mỗi ngày với dung dịch sát trùng povidone-iodine hoặc chlorhexidine pha loãng, những vết thương sâu hơn hoặc vết thương khó lành thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn điều trị tại nhà.

Dị ứng

Mèo bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng thức ăn, thường bị ngứa quanh đầu và tai. Nếu con mèo của bạn gãi nhiều ở những vùng này và không rõ nguyên nhân thì đó có thể là dấu hiệu bị dị ứng. Chuyển sang chế độ ăn kháng nguyên hạn chế trong sáu đến tám tuần (và không cho ăn gì khác ngoài nước) sẽ giúp bạn xác định xem mèo có bị dị ứng thực phẩm hay không, nhưng tốt nhất là hãy hỏi bác sĩ thú y trước khi mua thực phẩm mèo “không gây dị ứng”.

Tất nhiên, sẽ có các vấn đề khác gây hại cho tai mèo như rối loạn viêm, bệnh thoát quản mao mạch toàn thân, khối u và nhiều hơn nữa. Nếu bạn có lo ngại về sức khỏe tai mèo (hoặc bất kỳ bộ phận cơ thể nào khác!), hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y.