Đi vệ sinh không đúng chỗ (đánh dấu lãnh thổ) ở chó

5183
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Hành vi đi vệ sinh không đúng chỗ ở chó

Hành vi đại tiểu tiện không đúng chỗ là một vấn đề phổ biến xảy ra ở loài chó, có đến 37% những chú chó được chẩn đoán là mắc các vấn đề liên quan đến hành vi. Hầu như chủ nuôi đều huấn luyện chú chó của họ đi vệ sinh bên ngoài nhà, và “những tai nạn” thường kết thúc lúc chúng còn nhỏ ngay khi học được cách phải chờ đến lúc được ra ngoài để đi vệ sinh. Hành vi này có thể tái xảy ra với một chú chó đã được huấn luyện, và nó cũng phổ biến ở chó đực chưa triệt sản nhưng cũng có thể ở cả những con chó đã triệt sản và ở mèo.

Thường hành vi này chia thành hai loại. Một là hành vi không có nguyên nhân y tế nào và hai là do nó mắc vấn đề về sức khỏe dẫn đến việc nó phóng uế chất thải trong nhà. Nó có thể mất kiểm soát cơ ở bàng quang hoặc cơ vòng, hoặc bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh khác làm cho chú chó không thể giữ chất thải cho đến lúc được ra ngoài. Hành vi làm bẩn nhà này là lý do phổ biến khiến cho chủ nuôi nhốt những chú chó vào lồng và làm cho điều này trở nên nghiêm trọng. Tình trạng này càng được giải quyết sớm bao nhiêu thì nó càng dễ được gia đình chấp nhận và giữ lại nuôi dưỡng bấy nhiêu.

Triệu chứng

  • Đi tiểu trong nhà
  • Đại tiện trong nhà
  • Có thể là vấn đề hành vi hoặc vấn đề sức khỏe.

Nguyên nhân

Các vấn đề về hành vi

  • Không được huấn luyện đầy đủ
  • Tiểu tiện vì phục tùng- với động vật khác hoặc với con người ( đây là hành vi thể hiện nó nhận ra bạn là chủ hoặc cho người khác biết họ không phải là mối đe dọa với nó)
  • Đi tiểu không tự chủ khi hưng phấn- không kiểm soát được bàng quang
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện khi lo lắng/ sợ hãi
  • Đánh dấu lãnh thổ
  • Chứng lo lắng bị xa cách (lo lắng một cách quá mức liên quan đến việc tách khỏi người thân hoặc người chăm sóc; lo lắng khi bị bỏ lại một mình)
  • Uống quá nhiều nước, dẫn đến đi tiểu nhiều

Vấn đề sức khỏe

  • Đau khi ngồi xổm để đi tiểu hoặc đại tiện
  • Đau khi nhấc chân lên để đi tiểu ở chó đực
  • Nhiễm trùng bàng quang hoặc có sỏi ở bàng quang
  • Không giữ được nước tiểu trong bàng quang (tiểu không tự chủ)
  • Bệnh thận
  • Suy thận
  • U thận
  • Bệnh gan
  • Bệnh ở tuyến thượng thận
  • Hội chứng Cushing ( rối loạn xảy ra khi cơ thể có nhiều hormon cortisol)
  • Bệnh Addison(suy tuyến thượng thận nguyên phát)
  • Bệnh não
  • Tiểu đường
  • Dị tật hệ tiết niệu (niệu quản lạc chỗ)
  • Ký sinh trùng đường ruột
  • Vấn đề về chế độ ăn, phản ứng với đồ ăn

Chẩn đoán

Bạn sẽ cần phải đưa cho bác sỹ thú y bệnh sử chi tiết về tình trạng chú chó của bạn, các triệu chứng khởi phát và cả những sự cố có thể dẫn đến tình trạng này. Bác sỹ thú y sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện cho chú chó của bạn với bảng phân tích máu tổng quát bao gồm phân tích thành phần hóa học máu, công thức máu tổng quát và phân tích nước tiểu. Các xét nghiệm này sẽ cho phép bác sỹ thú y quyết định liệu chức năng của các cơ quan/ bộ phận bên trong cơ thể có hoạt động bình thường hay không và liệu có bị nhiễm trùng máu hay đường tiết niệu không. Nếu cần thiết, bác sỹ thú y có thể yêu cầu tiến hành thêm các xét nghiệm máu khác nhằm kiểm tra chức năng của tuyến thượng thận và tuyến giáp. Các xét nghiệm phân cũng có thể được tiến hành nhằm loại ra tình trạng ký sinh trùng đường ruột ở chó hay các vấn đề về tiêu hóa có thể là nguyên nhân dẫn đến việc chú chó của bạn đi đại tiện ở trong nhà .

Bác sỹ thú y có thể sẽ tiến hành chụp X quang và siêu âm ổ bụng cho chó để xem có xuất hiện sỏi bàng quang hay sỏi tiết niệu, khối u hoặc các bệnh khác có thể ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể không. Nếu tình trạng bệnh lý không phải là nguyên nhân gây ra hành vi đại tiểu tiện trong nhà thì chỉ có thể chẩn đoán đây là vấn đề về hành vi. Trong trường hợp này bác sỹ có thể sẽ yêu cầu bạn quay video các hành vi của chú chó và lưu nhật ký khi nào chú chó của bạn có những hành vi không đúng.

Điều trị

Nếu bác sỹ thú y tìm ra bất kể nguyên nhân bệnh lý nào gây nên tình trạng này thì ngay lập tức chú chó của bạn sẽ được điều trị. Đôi khi, đây là tất cả những điều bạn cần làm để giải quyết tình trạng chú chó phóng uế trong nhà.

Nếu chú chó của bạn không mắc bệnh, nó có thể được được điều trị bằng cách kết hợp giữa y khoa và huấn luyện (biện pháp sửa đổi hành vi). Bác sỹ thú y sẽ đề xuất lập một chương trình huấn luyện giúp chú chó của bạn học được cách đi vệ sinh đúng chỗ và đúng thời gian quy định. Nếu chú chó lúc thực hiện được lúc không hoặc có biểu hiện lo lắng, bác sỹ thú y sẽ kê thuốc chống lo lắng nhằm giúp nó giảm ác cảm với chương trình huấn luyện này và khuyến khích nó tương tác dễ dàng hơn với biện pháp huấn luyện. Trong vài trường hợp, nếu chú chó của bạn chưa triệt sản, bác sỹ thú y sẽ khuyến nghị bạn tiến hành triệt sản cho nó. Biện pháp này sẽ giúp giảm quá nửa tình trạng chó đực đi tiểu trong nhà nhằm đánh dấu lãnh thổ.

Chăm sóc

Trong giai đoạn đầu của chương trình huấn luyện kết hợp với sử dụng thuốc, bác sỹ thú y sẽ trao đổi thường xuyên với bạn nhằm đảm bảo mọi việc vẫn đang ổn. Nếu chú chó của bạn sử dụng thuốc, phân tích công thức máu tổng quát và bảng phân tích sinh hóa máu sẽ được tiến hành nhằm đảm bảo những loại thuốc đó không ảnh hưởng đến các cơ quan/ bộ phận bên trong cơ thể chú chó. Điều quan trọng là bạn phải cho nó uống thuốc đúng như chỉ dẫn và không được tự ý thay đổi liều lượng hay số lần uống nếu chưa trao đổi với bác sỹ thú y trước đó. Và chắc chắn rằng bạn không cho chú chó của mình uống bất kỳ loại thuốc nào khác cùng lúc mà không được sự cho phép của bác sỹ thú y.

Chú chó của bạn tương tác tốt với biện pháp trị liệu hành vi sẽ phụ thuộc vào sự tận tâm dạy nó những hành vi mới của bạn. Điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn trong khi nó học. Bởi giai đoạn này có thể tiến triển rất chậm. Trong vài trường hợp có thể mất vài tuần để nó bắt đầu tương tác với biện pháp này và vài tháng để thu được kết quả tốt. Một vài con chó cần được điều trị và huấn luyện lâu dài.

Nếu chú chó đại tiểu tiện ra nhà trong trường hợp mắc các vấn đề về sức khỏe thì tình trạng này sẽ tiến triển tốt lên ngay sau khi được điều trị nhưng trong một số trường hợp tình trạng này có thể tiếp diễn ngay cả sau khi các vấn đề bệnh tật đã được xử lý.

Phòng ngừa

Điều quan trọng là việc huấn luyện chó tại nhà phải được tiến hành sớm và nhất quán. Huấn luyện sớm và huấn luyện chuyên sâu giúp chú chó của bạn hiểu được nơi nào và thời gian nào là phù hợp để đi vệ sinh. Bác sỹ thú y sẽ giúp bạn phát triển một chương trình nhất quán để huấn luyện chú chó tại nhà. Để ngăn ngừa hành động đánh dấu lãnh thổ, quan trọng là phải triệt sản ngay khi nó đủ tuổi. Quan sát sự thay đổi trong cả hành vi và sức khỏe của chú chó và tiến hành ngay để giải quyết vấn đề sớm, trước khi cần phải có biện pháp giải quyết chuyên sâu hơn.