Chứng cuồng ăn ở chó

9863
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Chứng cuồng ăn ở loài chó

Khi chó thèm ăn nhiều hơn, đến mức mà nó trông có vẻ vô cùng đói mọi lúc hoặc hầu như mọi lúc, tình trạng đó được gọi là chứng cuồng ăn.

Bệnh này có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng khác nhau và quan trọng là phải tìm hiểu xem liệu việc ăn nhiều hơn của chú chó là do tình trạng tâm lý hay do bệnh tật. Nếu do một vấn đề tâm lý, thì có khả năng chú chó đã phát triển một hành vi nó học được, điều này có thể dẫn đến béo phì.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân có sẵn của việc chú chó tăng mức tiêu thụ thức ăn là do một trạng thái bệnh, thì bạn sẽ quan sát được một trong hai hiệu ứng thể chất: tăng cân hoặc giảm cân.

Chứng cuồng ăn có thể gặp ở cả loài chó và mèo. Nếu bạn muốn tìm hiểu bệnh này ảnh hưởng đến loài mèo như thế nào, hãy truy cập vào trang này.

Triệu chứng

Những triệu chứng được gây ra bởi chứng cuồng ăn gồm:

  • Béo phì
  • Tăng sự thèm ăn
  • Tăng cân hoặc giảm cân
  • Tăng khát (Chứng cuồng uống)
  • Đi tiểu thường xuyên (Chứng đa niệu)
  • Không có khả năng hấp thụ thức ăn đúng cách

Nguyên nhân

Nếu chứng cuồng ăn liên quan đến một số dạng vấn đề về hành vi, nguyên nhân gây bệnh có thể là do quá trình lão hóa. Ở tuổi già, một số chú chó cực kỳ đói. Cũng có thể một số loại thuốc được kê cho chú chó của bạn là lý do tăng sự thèm ăn của nó, và do đó gây ra chứng cuồng ăn.

Chứng cuồng ăn cũng có thể là hệ quả của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu, bởi vì cơ thể thường không thể đồng hóa lượng đường trong máu khi mắc bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu có thể bị giảm như một hệ quả trực tiếp từ các khối u liên quan đến insulin, mà có thế đã phát triển bên trong chú chó của bạn, và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thèm ăn.

Có thể hệ tiêu hóa của chú chó hấp thụ thức ăn kém, dẫn đến giảm cân vì những vấn đề như viêm ruột, thiếu hụt insulin, hoặc ung thư đường ruột. Không thể hấp thụ thức ăn đúng cách có thể khiến thú cưng của bạn mất các chất dinh dưỡng có giá trị thiết yếu để có một sức khỏe tốt.

Chẩn đoán

Bác sĩ thú y sẽ thực hiện kiểm tra thể chất chi tiết trên chú chó của bạn, và cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X quang, xét nghiệm nội tạng và nội soi.

Khi tiến hành các xét nghiệm sinh hóa nội tạng, bac sĩ có thể đánh giá chức năng của một số nội tạng quan trọng như gan và thận. Những xét nghiệm này rất cần được tiến hành trên chú chó của bạn, bởi vì bất kỳ rối loạn nội tiết nào liên quan đến rối loạn chức năng insulin cũng sẽ được xác định, nếu có. Đường huyết thấp bất thường, được biết đến là chứng hạ đường huyết, cũng có thể được phát hiện, và điều này có thể liên quan đến một số dạng khối u sản sinh insulin, có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy.

Xét nghiệm thành phần máu sẽ cho phép bác sĩ thú y kiểm tra xem có xuất hiện các tác nhân lây nhiễm trong máu không, và cũng sẽ thể hiện liệu thú cưng của bạn có mắc chứng thiếu máu (lượng sắt trong máu thấp), hoặc bất kỳ tình trạng viêm nào trong các mạch máu. Nếu những tình trạng trên không xuất hiện thì có thể chỉ ra rằng sự tăng thèm ăn là do một vấn đề về hành vi, hoặc một vấn đề thể chất.

Bác sĩ thú y có thể đề nghị phân tích nước tiểu để đánh giá liệu thú cưng của bạn có bị mất quá nhiều protein qua nước tiểu hay không. Xét nghiệm nước tiểu cũng sẽ cho thấy được nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc nhiễm trùng các cơ quan tham gia vào quá trình bài tiết, cũng như đường rơi vào nước tiểu, tình trạng này thường thấy trong nước tiểu của chó bị tiểu đường.

Bác sĩ cũng có thể muốn khám bằng phương pháp nội soi, sử dụng một chiếc ống đưa qua miệng xuống khoang rỗng dạ dày (hoặc cơ quan khác) để lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ dạ dày và tá tràng (ruột non).

Điều trị

Một khi bệnh được chẩn đoán đúng, bác sĩ thú y sẽ hỗ trợ bạn thiết kế một kế hoạch chăm sóc, để bạn có thể kiểm soát phần còn lại của việc chăm sóc chú chó ở nhà.

Bệnh do liên quan đến hệ tiêu hóa có thể có phản ứng với sự thay đổi chế độ ăn uống hoặc uống thuốc. Nếu chứng cuồng ăn có liên quan đến bệnh tiểu đường, tiêm insulin hàng ngày sẽ là một phần cần thiết của việc điều trị tại nhà.

Nếu chẩn đoán chứng cuồng ăn là do vấn đề về hành vi, biện pháp kiểm soát mức tiêu thụ thức ăn cho chó của bạn nên được thực hiện. Những phương pháp tiếp cận hữu hiệu gồm một chế độ ăn nhiều chất xơ với sự giám sát chặt chẽ lượng thức ăn, đồng thời đo lường lượng thức ăn thành các phần nhỏ hơn trong ngày (trái với hai – ba bữa lớn) để giúp kiểm soát sự thèm ăn của chó hiệu quả.

Đảm bảo rằng bất kỳ loại thuốc theo toa nào đều được cho uống đúng thời điểm, và chú chó của bạn được cho uống đầy đủ toàn bộ liệu trình thuốc uống.

Chăm sóc

Dù sau khi bệnh được điều trị xong, bạn nên tiếp tục theo dõi lượng tiêu thụ thức ăn của chú chó như một phần của chế độ dinh dưỡng và cân nặng tốt cho sức khỏe. Bác sĩ thú y có thể giúp bạn tổ chức kế hoặc ăn uống trọn đời cho chú chó.

Phòng ngừa

Nếu chứng cuồng ăn là do thói quen cho ăn sai, có thể ngăn ngừa các triệu chứng liên tục liên quan đến rối loạn này bằng cách điều chỉnh thói quen cho chó ăn hằng ngày để nó không ăn quá nhiều.

Nếu bệnh là hậu quả của những biến động trong cơ thể của chó, bạn cần phải duy trì liên lạc với bác sĩ thú y, thực hiện các cuộc hẹn đã lên lịch để kiểm tra tiến độ và đảm bảo rằng bạn có một kế hoạch chăm sóc thích hợp để dễ chăm sóc chó tại nhà