Xương hàm phát triển quá mức ở chó

5312
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Bệnh Craniomandibular Osteopathy ở chó

Miệng của chó được cấu thành chủ yếu từ hai xương: xương hàm dưới và xương hàm trên. Hai xương này nối với nhau ở một khớp gọi là khớp thái dương hàm (temporomandibular joint -TMJ). Khớp thái dương hàm là khớp giúp hàm mở và đóng. Chó sử dụng cơ má di chuyển khớp thái dương hàm để mở và đóng miệng.

Craniomandibular osteopathy là tình trạng hình thành thêm xương dọc theo hàm dưới và khớp thái dương hàm, khiến chó cảm thấy đau và khó mở miệng. Các dấu hiệu thường xuất hiện ở chó con từ bốn đến tám tháng tuổi, và bệnh thường gặp nhiều hơn ở một số giống chó. Các giống chó hay mắc bệnh nhất là chó sục Scotland, chó sục Cairn và chó sục trắng cao nguyên miền Tây. Các giống có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn, nhưng cũng có chẩn đoán cao hơn bình thường là Labrador Retrievers, Great Danes, chó sục Boston, Doberman Pinschers, Irish Setters, chó Bull Anhchó võ sĩ.

Triệu chứng và các dạng bệnh

  • Đau khi mở miệng
  • Khó mở miệng
  • Khó lấy thức ăn
  • Khó nhai và đồng thời mất cảm giác ngon miệng
  • Càng ngày càng đau và khó ăn hơn
  • Sốt đi sốt lại thất thường
  • Mắt có vẻ lồi ra, do sưng trong hộp sọ
  • Sưng hàm

Nguyên nhân

Do di truyền. Khuynh hướng di truyền bệnh mạnh nhất ở chó sục trắng cao nguyên miền Tây.

Chẩn đoán

Bác sĩ thú y sẽ cần hồ sơ sức khỏe của chó và các khả năng dẫn đến các triệu chứng khởi phát. Khi quan sát kĩ đầu của chó trong khi khám, bác sĩ có thể cảm thấy số lượng cơ bắp ở hai bên đầu giảm, xương dọc theo hai bên của hàm dày lên. Cũng sẽ có những cơn đau rõ ràng khi cố gắng mở miệng chó và thậm chí chó không thể mở miệng ra được.

Xét nghiệm máu tổng thể sẽ được tiến hành, bao gồm xét nghiệm công thức hóa học máu, xét nghiệm công thức máu toàn bộ, và xét nghiệm hóa sinh. Các xét nghiệm sẽ được sử dụng để xác định xem có bất thường trong xương chó không. Các xét nghiệm máu khác có thể giúp loại trừ hoặc xác minh nấm hoặc các loại nhiễm trùng khác. Công cụ chẩn đoán chính xác nhất cho bệnh này sẽ là hình ảnh chụp x-quang đầu chó, giúp cho thấy sự phát triển bất thường của xương. Trong hầu hết các trường hợp, tất cả các xét nghiệm cần được thực hiện, nhưng đối với một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu xương (sinh thiết xương) để đảm bảo các triệu chứng của chó không do khối u hoặc nhiễm trùng xương.

Điều trị

Điều trị bằng thuốc chống viêm sưng, cùng với thuốc giảm đau, sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng ở chó, nhưng sẽ không tác dụng ngay lập tức. Cần phải quan sát bệnh vì không có phương pháp làm chậm tiến trình bệnh nào khác hơn là điều trị sưng. Sự tăng trưởng xương thường chậm lại vào khoảng một tuổi, khi chó con phát triển chậm lại, nhưng nhiều con chó sẽ tiếp tục phát triển xương lớn hơn xương hàm bình thường, và có thể khó nhai cho đến hết đời. Trong một số trường hợp, có thể phẫu thuật để chỉnh hàm vừa đủ giúp chó ăn thoải mái hơn.

Bạn có thể cần cho chó ăn thức ăn đặc biệt trong quá trình điều trị, chẳng hạn như súp hoặc chất lỏng có hàm lượng calo cao nếu chó gặp khó khăn khi ăn thức ăn bình thường. Nếu chó không thể ăn kể cả chất lỏng, cần đặt ống dẫn vào dạ dày hoặc thực quản. Do thuốc đã được kê đơn đôi khi có thể gây khó chịu cho dạ dày, bạn cần tuân thủ tất cả các hướng dẫn của bác sĩ về những loại thuốc này.

Chăm sóc

Bác sĩ sẽ muốn bạn đưa chó quay lại khám để theo dõi thường xuyên, đảm bảo chó đang nhận đủ dinh dưỡng và không bị đau quá mức. Nếu bạn cần cho chó ăn qua ống, phải tuân thủ tất cả các hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng ống và mức độ thường xuyên cho chó ăn. Khi chó từ mười đến mười hai tháng tuổi, cơn đau có thể giảm, số lượng xương thừa trên hàm cũng có thể giảm. Tình trạng của chó sẽ phụ thuộc vào lượng xương thừa được hình thành xung quanh quai hàm. Chó có thể vẫn cần thức ăn đặc biệt, hoặc một ống cho ăn trong suốt quãng đời còn lại.

Phòng ngừa

Không nên phối giống chó bị bệnh, kể cả chó từ cùng lứa, cho dù những con chó đó có biểu hiện bệnh hay không. Ngoài ra nên thiến chó để tránh lây truyền bệnh cho thế hệ sau.