Bệnh liệt ở mèo

30842
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Tình trạng mất vận động cơ thể ở mèo

Khả năng di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày của mèo phụ thuộc vào khả năng phối hợp thành hệ thống của não, cột sống, dây thần kinh và cơ bắp. Hệ thống liên lạc phức tạp này bao gồm các dây thần kinh trong não có chức năng gửi thông điệp về môi trường bên ngoài đến cơ thể, và cơ thể gửi thông điệp đến não về những gì nó thực sự trải qua trong môi trường. Những thông điệp này được truyền qua các dây thần kinh trong tủy sống, nằm bên trong cột sống. Các dây thần kinh trong não và tủy sống cùng nhau tạo nên hệ thần kinh trung ương của cơ thể. Một chấn thương cho bất kỳ phần nào của đường dây thần kinh có thể dẫn đến thông tin sai lạc hoặc thiếu thông tin liên lạc đến não hoặc cơ thể, và không có khả năng điều phối các chuyển động của cơ thể.

Cột sống gồm có một bộ 24 xương được gọi là đốt sống, được tách ra với nhau bởi đệm nhỏ được gọi là đĩa đệm. Đốt sống và đĩa đệm cùng với nhau bảo vệ cột sống khỏi bị hư hại. Chấn thương ở đốt sống hoặc đĩa đệm có thể khiến các dây thần kinh trong tủy sống dễ bị tổn thương, dẫn đến chấn thương khác ở đường đi dây thần kinh.

Mèo bị liệt thường là do sự liên lạc giữa tủy sống và não bị gián đoạn. Trong một số trường hợp, mèo sẽ hoàn toàn không thể cử động chân, đây là tình trạng liệt hoàn toàn, và trong các trường hợp khác, vẫn có thể có sự liên lạc giữa não và cột sống và mèo sẽ chỉ mất sức, hoặc sẽ gặp khó khăn khi di chuyển chân của nó, tình trạng này được gọi là liệt nhẹ – tê liệt một phần. Cũng có những trường hợp mèo bị liệt ở cả bốn chân (liệt tứ chi), và trong một số trường hợp khác, mèo có thể kiểm soát cử động ở một số chân của nó nhưng không phải tất cả. Điều này được xác định bởi vị trí trong não, cột sống, dây thần kinh hoặc cơ bị chấn thương.

Triệu chứng và phân loại

  • Không thể di chuyển cả bốn chân (liệt tứ chi)
  • Không thể di chuyển chân sau (liệt chi dưới)
  • Di chuyển bằng chân trước và chân sau kéo lết
  • Có thể đau ở cổ, cột sống hoặc chân
  • Không thể đi tiểu
  • Táo bón
  • Không thể kiểm soát việc đi tiểu, tiểu nhỏ giọt
  • Không thể kiểm soát đại tiện

Nguyên nhân

  • Trượt đĩa đệm ở lưng (bệnh đĩa đệm cột sống)
  • Nhiễm trùng ở xương cột sống (đốt sống)
  • Nhiễm trùng hoặc viêm ở cột sống
  • Bệnh toxoplasmosis
  • Viêm màng bụng truyền nhiễm ở mèo
  • Nấm cryptococcus
  • Nhiễm trùng hoặc viêm ở cơ (viêm đa cơ)
  • Viêm ở dây thần kinh (viêm đa thần kinh)
  • Lưu lượng máu đến cột sống bị chặn (vật tắc mạch)
  • Lưu lượng máu đến các chi sau bị chặn (vật tắc động mạch chủ)
  • Khối u hoặc ung thư ở cột sống hoặc não
  • Bọ ve cắn (liệt do bọ ve cắn)
  • Độc tố vi khuẩn (ngộ độc thịt)
  • Tổn thương cột sống
  • Dị tật cột sống hoặc đốt sống

Chẩn đoán

Bạn sẽ cần phải cung cấp một bệnh sử đầy đủ của mèo, khởi phát các triệu chứng, và các sự cố có thể đã dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như vết bọ ve cắn gần đây, hoặc các vết thương do nhảy hoặc ngã. Khi khám bệnh, bác sĩ thú y sẽ chú ý kỹ đến khả năng di chuyển chân, và khả năng đáp ứng với các xét nghiệm phản xạ của mèo. Bác sĩ thú y cũng sẽ kiểm tra khả năng cảm nhận đau của mèo ở cả bốn chân, kiểm tra đầu, cột sống và chân để phát hiện các dấu hiệu đau và sự cảnh giác khi chạm vào.

Tất cả những điều này sẽ giúp bác sĩ thú y xác định các vị trí đang có vẫn đề trong xương sống, dây thần kinh, hoặc cơ bắp của mèo. Các xét nghiệm cơ bản trong phòng thí nghiệm, bao gồm công thức máu, xét nghiệm hóa sinh và phân tích nước tiểu sẽ được thực hiện và có thể xác định tình trạng nhiễm trùng – do vi khuẩn, virus hoặc độc tố – gây cản trở đường thần kinh. Hình ảnh X quang xương sống của mèo có thể cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dị tật đốt sống, hoặc đĩa đệm bị trượt và đè vào tủy sống. Các tình trạng khác có thể dẫn đến sự gián đoạn của các đường thần kinh có thể thể hiện rõ ràng trên hình ảnh X quang, chẳng hạn như khối u, khối tắc nghẽn hoặc dây thần kinh bị viêm.

Trong một số trường hợp, bác sĩ thú y có thể yêu cầu chụp X quang đặc biệt gọi là tủy đồ. Quá trình này sẽ bao gồm tiêm một thuốc tương phản (thuốc nhuộm) vào cột sống, tiếp theo là chụp x-quang để giúp bác sĩ quan sát tủy sống và đốt sống chi tiết hơn. Nếu các kỹ thuật hình ảnh này không hữu ích, bác sĩ thú y có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) não và cột sống của mèo, cả hai đều cho hình ảnh cực kỳ chi tiết về não và cột sống của mèo. Trong một số trường hợp, bác sĩ thú y có thể lấy mẫu dịch xung quanh cột sống của mèo để phân tích hoặc các mẫu từ cơ hoặc sợi thần kinh để sinh thiết. Những phân tích này có thể xác định sự hiện diện của nhiễm trùng ở não hoặc cột sống.

Điều trị

Quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra liệt ở mèo. Nếu mèo của bạn không thể đi lại, tự đi tiểu hoặc đại tiện, nó rất có thể sẽ phải được đưa vào bệnh viện trong khi bác sĩ thú y tiến hành đưa ra chẩn đoán. Từ đó bác sĩ thú y sẽ theo dõi mèo hàng ngày để quan sát sự phục hồi và tiến triển của nó. Nếu mèo bị đau, nó sẽ được kê thuốc để giúp kiểm soát cơn đau, bàng quang của mèo sẽ được làm sạch nhiều lần mỗi ngày bằng ống thông, và mèo sẽ được điều chỉnh cơ thể suốt cả ngày để đảm bảo rằng nó không bị lở loét do nằm một chỗ quá lâu. Nếu nguyên nhân gây ra liệt là do nhiễm trùng hoặc trượt đĩa đệm, tình trạng này sẽ được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc trị liệu. Khối u hoặc tắc nghẽn ở nguồn máu có thể được chữa trị bằng phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của vị trí. Một số con mèo bị liệt hồi phục rất nhanh. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, mèo có thể phải nằm viện cho đến khi nó có thể đi lại, hoặc bác sĩ thú y có thể sẽ cho mèo về nhà với bạn cùng với hướng dẫn chăm sóc và phục hồi tại nhà.

Chăm sóc

Bác sĩ thú y sẽ giúp bạn lập kế hoạch chăm sóc cho mèo ở nhà. Đôi khi mèo có thể chống lại sự chăm sóc của bạn do đau đớn, nhưng việc chăm sóc chặt chẽ và nhẹ nhàng sẽ giúp loại bỏ những phản ứng đáng sợ. Nếu có thể, hãy nhờ một người khác giữ mèo trong khi bạn đang tiến hành chăm sóc, hoặc quấn tã cho mèo để nó không thể cào hoặc bỏ chạy.

Điều quan trọng là bạn cần chăm sóc mèo đúng cách để nó có thể hồi phục hoàn toàn. Thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ thú y một cách cẩn thận. Nếu bác sĩ thú y đã kê đơn thuốc, hãy chắc chắn cho mèo dùng thuốc đầy đủ, ngay cả sau khi nó có dấu hiệu hồi phục hoàn toàn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc vấn đề gì về mèo của bạn, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ bác sĩ thú y, và không cho mèo dùng thuốc giảm đau, hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác mà không tham khảo ý kiến ​​bác sĩ thú y, như một số loại thuốc dành cho người có thể độc hại đối với động vật. Trong một số trường hợp, nếu bệnh liệt không thể điều trị được nhưng mèo của bạn vẫn khỏe mạnh thì nó có thể được trang bị một chiếc xe lăn đặc biệt để giúp nó di chuyển. Hầu hết những con mèo dùng xe lăn đều thích nghi tốt và tiếp tục tận hưởng cuộc sống của chúng. Đương nhiên là, nếu mèo đã bị bệnh liệt thì nó phải được triệt sản để nó sẽ không có nguy cơ bị tổn thương thêm do giao phối.