Viêm cầu thận ở chó

6552
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Các tiểu cầu thận là một mạng lưới các mạch nhỏ giúp lọc các chất thải đi qua thận trong quá trình hình thành nước tiểu. Khi các mạch này bị viêm và suy giảm sẽ gây nên bệnh viêm cầu thận. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cầu thận là các phức hợp kháng nguyên kháng thể (như độc tố hoặc enzyme) lắng đọng trong tiểu cầu. Ngoài ra, viêm cầu thận do di truyền đã được ghi nhận ở chó núi Bern, chó sục bò, chó đốm, Samoyeds, Doberman, cocker spaniels, Newfoundlands, greyhounds, rottweilers, và chó sục Wheaten lông mềm.

Triệu chứng và các dạng bệnh

Các triệu chứng của bệnh rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, như viêm, nhiễm trùng hoặc khối u. Ở một số chú chó, triệu chứng biểu hiện duy nhất là sút cân và suy nhược. Trên thực tế, có nhiều lần bệnh được phát hiện ngẫu nhiên khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cho chó, do thấy nồng độ protein trong nước tiểu tăng. Nếu protein trong nước tiểu tăng cao, chó có thể bị tụ chất lỏng trong khoang bụng (cổ trướng).

Ở những chú chó bị bệnh viêm cầu thận tiến triển cùng với suy thận, có thể nhanh khát và hay đi tiểu, chán ăn, buồn nôn và nôn. Những chú chó bị thiếu albumin trong máu (giảm albumin máu) có thể bị tắc nghẽn mạch máu phổi, gây khó thở hoặc thở hổn hển nghiêm trọng. Trong khi đó, chó mắc cao huyết áp có thể bị mù đột ngột.

Nguyên nhân

  • Viêm
  • Nhiễm trùng
  • Tự phát (không rõ nguyên nhân)
  • Khối u
  • Đái tháo đường
  • Sử dụng lâu dài một số loại thuốc nhất định

Chẩn đoán

Bạn sẽ cần phải cung cấp cho bác sĩ thú y hồ sơ sức khỏe của chó, các triệu chứng khởi phát và các tình huống có thể có thể dẫn đến bệnh này. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu, bao gồm xét nghiệm thành phần hóa học máu, xét nghiệm công thức máu toàn bộ và phân tích nước tiểu. Kết quả xét nghiệm máu thường không có gì bất thường. Trong trường hợp nghiêm trọng, xét nghiệm sinh hóa có thể cho thấy mức độ albumin trong máu thấp (giảm albumin máu) và mức cholesterol trong máu cao (tăng cholesterol máu). Sự hiện diện của albumin protein và các protein khác trong máu có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu. Ở những chú chó bị suy thận, phân tích nước tiểu sẽ thể hiện những thay đổi tương ứng trong nước tiểu.

Creatinin là một chất thải thường được bài tiết qua thận, hay được dùng như một chỉ số chẩn đoán chức năng thận. Có thể thực hiện xét nghiệm protein nước tiểu để đánh giá và theo dõi chức năng thận.

Một xét nghiệm cụ thể hơn tính toán protein nước tiểu và tỷ lệ creatinin sẽ giúp bác sĩ đánh giá về mức độ tổn thương thận. Mức độ mất protein trong nước tiểu gần tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh thận. Vì vậy, đo lường tỷ lệ protein và creatinin cũng giúp đánh giá đáp ứng điều trị và tiến triển phục hồi của bệnh.

Chấn đoán hình ảnh cũng có thể được dùng để xác định tình trạng bệnh của chó như thế nào và cần điều trị gì. Những phương pháp này rất hữu ích trong việc chẩn đoán các bệnh khác mắc đồng thời và đánh giá kích thước thận. Chụp X quang bụng và siêu âm có thể được sử dụng để đánh giá thận và các cơ quan bụng khác, và có thể hữu ích trong việc thực hiện thu thập mô ít xâm lấn hơn cho mục đích sinh thiết. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô thận (sinh thiết thận) để loại trừ các nguyên nhân khác gây suy thận, như khối u hoặc ung thư.

Điều trị

Do hầu hết các trường hợp viêm cầu thận liên quan đến phản ứng miễn dịch (tương tác kháng nguyên và kháng thể), liệu pháp cụ thể và hiệu quả nhất là kiểm soát và loại bỏ phản ứng miễn dịch như vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm và xử lý chính xác quá trình gây bệnh hoặc kháng nguyên gây ra các phản ứng miễn dịch như vậy. Hơn nữa, một khi suy thận đã phát triển, tiên lượng bệnh thường kém. Việc điều trị bệnh này phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh tại thời điểm chẩn đoán.

Chăm sóc

Bác sĩ sẽ đề nghị một kế hoạch chế độ ăn uống được thiết kế phù hợp với tình trạng thận của chó. Những chú chó này cần tiêu thụ lượng natri thấp và các protein có chất lượng cao, số lượng ít. Do hầu hết thuốc đều lọc qua thận, không tự ý cho chó uống thuốc, hoặc thay đổi liều lượng của thuốc đã kê đơn mà không tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước. Trong các lần khám tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm thường xuyên để theo dõi đáp ứng điều trị và tiến triển của bệnh, điều chỉnh thuốc và liệu pháp khi cần thiết.