Ung thư xương (Sarcoma sợi) ở chó

4410
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Sacôm sợi trong xương ở chó

Sacôm sợi là kết quả của việc các tế bào nguyên sợi phân chia bất thường – các tế bào này thường tập trung chủ yếu trong mô liên kết của cơ thể và thường phát sinh từ mô mềm. Trong một số trường hợp hiếm gặp thì sacôm sợi lại bắt nguồn từ trong xương, làm yếu cấu trúc xương và có thể dẫn đến gãy xương hoặc thậm chí làm cụt chi. Phần lớn các trường hợp sacôm sợi trong xương là lành tính và không di căn nhưng cũng có nhiều trường hợp ác tính, di căn khắp cơ thể, xâm lấn vào các cơ quan, hạch bạch huyết và da.

Về mặt lâm sàng, sacôm sợi trong xương tương tự như sacôm xương- một dạng phổ biến của ung thư xương. Sự khác biệt chính nằm ở chất hình thành nên các khối u. Sacôm xương được hình thành từ xương, và Sacôm sợi được hình thành từ sợi collagen. Khi tiến hành sinh thiết một khối u và chỉ ra rằng khối u đó không sinh xương thì đó là sacom sợi. Bản chất sự phân chia nhanh chóng của sacôm là mối nguy hiểm thực sự, nó xâm nhập và đe dọa sự ổn định của xương. Nói chung, các khối u trong xương là lành tính và thường bị chẩn đoán nhầm là u nang và các vấn đề cơ.

Các yếu tố như tuổi tác, giống loài hoặc khuynh hướng giới tính của chú chó không quyết định đến tình trạng bệnh này.

Triệu chứng

Có hai loại sacôm sợi chính trong xương:

Sacom sợi trung tâm

  • Xuất hiện ở xương dài, cột sống và hàm dưới.

Sacom sợi màng xương

  • Xuất hiện ở xương sọ

Triệu chứng

  • Mất khả năng vận động, và không thể đi lại.
  • Tại vùng xương bị ảnh hưởng, có thể sờ thấy khối u cục (sờ, nắn bằng tay)
  • Sưng tại vùng bị đau
  • Sưng ở mặt khi khối u phát sinh từ sọ
  • Đau khi sờ vào vùng có khối u
  • Gãy xương mà không có chấn thương nghiêm trọng nào

Nguyên nhân

Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này.

Chẩn đoán

Bạn cần phải cung cấp cho bác sỹ thú y bệnh sử chi tiết về tình trạng sức khỏe chú chó của bạn, các triệu chứng khởi phát và các nguyên nhân có khả năng dẫn tới tình trạng này, ví dụ như bất kỳ tai nạn hay căn bệnh nào đã gặp phải, và thói quen luyện tập hàng ngày của chú chó. Bạn càng cung cấp thông tin chi tiết bao nhiêu thì bác sỹ thú y sẽ đưa ra chẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh tật bấy nhiêu. Các xét nghiệm tiêu chuẩn được tiến hành trong phòng thí nghiệm bao gồm phân tích nước tiểu, phân tích máu tổng quát và bảng phân tích thành phần hóa học của máu.

Lượng bạch cầu trong máu cao hơn bình thường chỉ ra rằng cơ thể đang chống lại tình trạng bệnh tật và những xét nghiệm khác sẽ cho thấy liệu các bộ phận khác trong cơ thể có đang hoạt động tốt hay không. Tuy nhiên, thường các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ đưa ra kết quả bình thường. Bởi do tính chất tương đối hiếm gặp của sacôm sợi trong xương, nếu không tiến hành chụp X quang thì nó có thể bị chẩn đoán thành u nang hoặc sưng cơ. Chụp X quang là một yếu tố quan trọng giúp đưa ra chẩn đoán chính xác. Chụp X quang cũng sẽ giúp chẩn đoán chính xác vùng khối u nguyên phát cũng như phát hiện liệu nó đã di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể hay chưa. Chụp cắt lớp vi tính ( chụp CT) là một công cụ chẩn đoán hình ảnh hữu ích khác giúp xác định mức độ của vấn đề.

Để đưa ra chẩn đoán mang tính kết luận hơn, biện pháp sinh thiết khối u sẽ cần phải được thực hiện. Sinh thiết xương là một phương pháp xâm lấn nhất so với các phương pháp khác nhưng đây là cách duy nhất để xác định liệu khối u ở xương là lành tính hay ác tính. Chú chó của bạn cần phải được gây mê để có thể tiến hành thủ thuật y khoa này.

Điều trị

Việc điều trị sacôm sợi ở xương thường sử dụng đến phương pháp phẫu thuật tích cực nhằm cố gắng loại bỏ khu vực xung quanh khối u hoặc một phần của xương bị ảnh hưởng. Trong vài trường hợp, chi bị ảnh hưởng có thể bị cắt hoàn toàn. Một khối u ác tính đã di căn tới nhiều vị trí thì nó mang theo tiên lượng xấu về khả năng hồi phục. Hãy nhớ rằng không phải tất cả sacôm sợi đều giống nhau. Có thể khối u mà chú chó của bạn đang mang trong cơ thể không có tính di căn và việc cắt bỏ khối u cũng như mô xung quanh có thể giúp giải quyết tốt vấn đề. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, chúng có thể tái phát tại những nơi đã tiến hành cắt bỏ trước đó.
Chăm sóc
Sau điều trị ban đầu, cần phải lên kế hoạch theo dõi kiểm tra nhằm kiểm soát định kỳ bất kể sự phát triển nào của các khối u hoặc sự di căn của chúng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Bạn cần phải lập một lịch trình thăm khám định kỳ. Việc hồi phục hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào kích cỡ và khu vực mà khối u phát triển.

Sau phẫu thuật, hoặc là trong giai đoạn đang tiến hành điều trị các khối u, bạn cần biết rằng chú chó của mình sẽ phải chịu cảm giác đau đớn. Bác sỹ thú y sẽ kê thuốc giảm đau nhằm giúp giảm tối đa sự không thoải mái này. Sử dụng thuốc giảm đau cần phải thận trọng; một trong những tai nạn dễ phòng ngừa nhất chính là sử dụng thuốc quá liều. Tuân thủ theo các hướng dẫn một cách cẩn thận. Bạn cần phải hạn chế các hoạt động của chú chó cho đến khi khỏi, để nó nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh và tránh xa các hoạt động trong nhà, trẻ nhỏ và các vật nuôi khác. Đặt một chiếc lồng và cho chú chó của bạn nghỉ ngơi trong đó nhằm hạn chế các hoạt động thể chất có thể là một biện pháp hữu ích cần được xem xét. Bác sỹ thú y sẽ nói cho bạn biết khi nào an toàn để cho chú chó hoạt động bình thường trở lại. Cho đến lúc đó bạn chỉ nên dắt nó đi dạo ngắn.

Kiểm soát thức ăn và nước uống của chó là vấn đề quan trọng trong trong giai đoạn hồi phục. Nếu chú chó của bạn chán ăn, có lẽ bạn cần phải sử dụng ống dẫn thức ăn hoặc chất bổ sung dạng nước chứa protein cao để đảm bảo nó nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho việc phục hồi hoàn toàn. Bác sỹ thú y sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng ống dẫn thức ăn một cách chính xác và hỗ trợ bạn trong việc lập lịch ăn cho chú chó