Tim ngừng đập ở chó

6138
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Tim ngừng đập ở Chó

Tim ngừng đập (cũng còn được biết đến với thuật ngữ tương đương là ngừng tim phổi hoặc ngừng tuần hoàn máu) xảy ra khi sự lưu thông của máu bị ngừng trệ do tim không có khả năng co bóp (suy tim). Giống như nhiều hệ thống các cơ quan khác trong cơ thể, hệ hô hấp và hệ tim mạch hoạt động phối hợp với nhau. Do đó, nếu như một con chó ngưng thở trong khoảng thời gian nhiều hơn 6 phút, thì có thể dẫn đến suy tim, và tim ngừng đập- cả hai trường hợp này đều có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng tim ngừng đập này có thể xảy ra ở mọi con chó không phân biệt lứa tuổi, giới tính hay giống chó.

Triệu chứng

Tuần hoàn máu không bị ảnh hưởng nếu như con vật bắt đầu thở lại được trong khoảng 4 phút sau khi tình trạng này xuất hiện. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn 6 phút thì có thể dẫn đến tim ngừng đập. Các triệu chứng thường gặp liên quan đến tình trạng khẩn cấp này bao gồm:

  • Giãn đồng tử
  • Mất ý thức tự phát ( ngất)
  • Da và màng nhầy chuyển xanh(xanh tím); dấu hiệu của lượng oxy trong máu giảm một cách nghiêm trọng
  • Thở nặng (khó thở) và thở hổn hển
  • Hạ thân nhiệt
  • Phản ứng chậm với kích thích

Nguyên nhân

  • Lượng oxy thấp bất thường trong động mạch (thiếu oxy máu)
  • Lượng oxy cung cấp cho cơ thể thấp, có thể là do thiếu máu
  • Bệnh tim (ví dụ như nhiễm trùng, viêm, chấn thương, phát triển bất thường của tế bào mô trong tim)
  • Các bệnh chuyển hóa
  • Mất cân bằng điện giải (ví dụ như, tăng kali máu, hạ canci máu, hạ magie máu)
  • Dịch trong cơ thể thấp bất thường
  • Sốc
  • Sử dụng thuốc gây mê
  • Nhiễm trùng máu nguyên nhân là do máu bị nhiễm các chất độc của vi khuẩn(nhiễm trùng huyết)
  • Chấn thương não
  • Điện giật

Chẩn đoán

Tim ngừng đập là trường hợp khẩn cấp cần sự hỗ trợ kịp thời của bác sỹ thú y để đánh giá tình trạng bệnh và hình thức điều trị. Bạn sẽ cần phải đưa bệnh sử chi tiết về tình trạng sức khỏe chú chó của bạn cho bác sỹ thú y, bao gồm các triệu chứng khởi phát, các triệu chứng mang tính bản chất của con vật và các sự cố có thể dẫn đến biến chứng. Bác sỹ thú y sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát cho chú chó của bạn, tập trung vào đường hô hấp của chú chó, khả năng thở và sự tuần hoàn của máu. Bác sỹ thú y cũng sẽ liên tục kiểm tra huyết áp và nhịp tim chú chó của bạn.

Các xét nghiệm chẩn đoán định kỳ cũng sẽ được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân mấu chốt của tình trạng tim ngừng đập, bao gồm chụp X quang ngực, xét nghiệm công thức máu tổng quát, bảng phân tích sinh hóa máu và phân tích nước tiểu. Các mẫu máu được lấy để xác định mức độ các khí trong máu, bao gồm oxy. Những con chó bị nghi ngờ có nguy cơ bị bệnh tim sẽ phải tiến hành siêu âm tim để đánh giá mức độ của vấn đề.

Điều trị

Đây là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng do vậy cần phải yêu cầu nhập viện ngay lập tức để được hỗ trợ cũng như điều trị chuyên sâu từ bác sỹ. Mục đích chính là để hồi phục lại nhịp đập của tim và nhịp thở; để làm được điều này có thể sẽ phải cần đến biện pháp hồi sức tim phổi (CPR).
Sau khi làm sạch khí quản và biện pháp hồi sức tim phổi được tiến hành, một ống thở sẽ được dẫn vào khí quản nhằm hỗ trợ việc thở. Oxy cũng có thể sẽ được truyền vào cơ thể nhằm làm tăng lượng oxy trong máu đến mức bình thường.

Với những con chó bị bệnh suy tim có lẽ sẽ cần đến biện pháp xoa bóp bên ngoài tim nhằm kích thích tim đập lại bình thường. Đối với những trường hợp không phản ứng lại với biện pháp xoa bóp như trên thì cần phải tiến hành ép ngực nhanh nhiều lần. Thuốc sẽ thường được kê để hỗ trợ việc bình thường hóa lại chức năng của tim. Biện pháp khác là ngực sẽ được rạch ra để tiến hành hồi sức mở lồng ngực hoặc tiêm trực tiếp thuốc vào tim- cả hai biện pháp này được xem như là phương án cuối cùng để cứu chữa.

Chăm sóc

Tiên lượng tổng quan sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân chính gây nên tình trạng tim ngừng đập và quá trình điều trị. Không may là dưới 10% trường hợp hồi phục bình thường trở lại, thậm chí sau khi biện pháp điều trị khẩn cấp đã được tiến hành thành công.

Nếu tình trạng chú chó ổn định, nó sẽ cần ở lại bệnh viện trong vài ngày. Ở đó, bác sỹ thú y có thể theo dõi được các chức năng của tim, huyết áp và tiến hành điều trị nếu có bất kỳ biến chứng nặng hơn xảy ra.