Nhiễm khuẩn kị khí ở chó

3791
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Nhiễm khuẩn kỵ khí là những bệnh liên quan đến vi khuẩn có khả năng phát triển tốt nhất trong điều kiện không có oxy tự do. Do đó, các vi khuẩn này thường phát triển mạnh trong miệng quanh nướu răng; trong vết thương sâu, chẳng hạn như những vết thương do bị đâm thủng da; trong các vết thương do xương bị gãy vỡ do tác động từ bên ngoài; và trong các vết cắn sâu do các con vật khác gây nên. Nếu chú chó của bạn có các vết thương mà chúng lành lại rất chậm, có thể dự đoán nó đã bị nhiễm trùng kỵ khí.

Vi khuẩn kỵ khí vốn là một phần bình thường trong việc hoạt động hoá sinh của cơ thể, chúng sống cộng sinh ở bụng, ống âm đạo, ruột và miệng. Tuy nhiên khi có điều gì đó phá vỡ môi trường cân bằng của vi khuẩn, như việc phẫu thuật, vết thương sâu, nhiễm trùng nội bộ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mô của chó, dẫn đến nhiễm trùng sâu và chết mô. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng kỵ khí có thể dẫn đến sốc, thậm chí tử vong.

Các triệu chứng và các loại

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng kỵ khí, chó có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Chó mắc nhiễm trùng kỵ khí vì vết thương, ví dụ do bị con vật khác cắn, có mủ rỉ ra từ vết thương, hoặc gãy xương hở (xương bị lòi ra ngoài). Hơn nữa, vết thương bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí sẽ lành lại rất chậm. Các triệu chứng phổ biến khác của nhiễm trùng kỵ khí ở chó bao gồm sốt, nhợt nhạt, khó ăn và chán ăn (liên quan đến nhiễm trùng nướu răng).

Ngoài ra còn có một số loại vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng, bao gồm:

  • Bacteroides
  • Fusobacterium
  • Actinomyces
  • Clostridium
  • Peptostreptococcus

Nguyên nhân

Nguyên nhân căn bản của nhiễm trùng kỵ khí là sự gián đoạn cân bằng môi trường vi khuẩn bình thường trong cơ thể của chó. Điều này có thể là do vết thương, chấn thương sâu hoặc các do các thủ thuật phẫu thuật (như phẫu thuật bụng hoặc cấy ghép đặt kim loại trong cơ thể hỗ trợ xương khi bị gãy).

Chẩn đoán

Bạn cần cung cấp cho bác sĩ thú y đầy đủ tiền sử về tình hình sức khoẻ bệnh tật của chú chó của bạn, thời gian bắt đầu có triệu chứng bệnh và các sự cố đã xảy ra có khả năng dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như chấn thương, thậm chí chấn thương nhẹ, chú chó của bạn cắn nhau với các con vật khác (có thể liên quan đến nhiễm trùng miệng), và mọi ca phẫu thuật gần nhất. Bác sĩ cần loại trừ các nguyên nhân trước khi xác nhận chó của bạn mắc nhiễm trùng kỵ khí.

Các xét nghiệm tiêu chuẩn bao gồm xét nghiệm máu tổng thể, phân tích nước tiểu, xét nghiệm xem số lượng bạch cầu có cao hơn tiêu chuẩn bình thường hay không, hoặc các triệu chứng về nhiễm trùng hệ thống. Bác sĩ sẽ lấy mẫu của bất kỳ vùng mủ cùng với mô (da/cơ) xung quanh vết thương để nuôi cấy xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với môi trường không có oxy. Nếu vùng mủ xét nghiệm có sự biến đổi tăng trưởng, có thể xác nhận rằng chó có mắc vi khuẩn kỵ khí.

Điều trị

Bác sĩ thú y sẽ yêu cầu bạn cho chó uống thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Có thể việc phải cho chó uống thuốc trong nhiều tuần khá phiền với bạn, nhưng đây là điều cần thiết cho việc chữa trị tổng thể, ngay cả sau khi các triệu chứng đã hết và chú chó của bạn dường như đã bình phục. Ngay cả khi chỉ còn lại một chút nhiễm trùng, nó có thể tái phát nặng hơn trước. Đối với những chú chó khó cho uống thuốc, bạn có thể giấu thuốc vào trong thức ăn của chúng. Nếu bạn dùng cách này để chó của bạn ăn thuốc kháng sinh, bạn phải chắc chắn rằng chó đã ăn và nuốt toàn bộ lượng thức ăn đó và nó không nhổ ra ở nơi khác (ví dụ như sau đồ vật, trong góc khuất,…)

Việc điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc vị trí nhiễm trùng có dễ tiếp cận hay không. Nếu nhiễm trùng ở các cơ (chân, lưng, mông, cổ, vv), bác sỹ thú y sẽ mở vết thương, làm sạch mô chết và để mô tiếp xúc với oxy. Nếu nhiễm trùng kỵ khí nằm trong cơ thể, chẳng hạn như tử cung bị nhiễm trùng, bên trong xương, hoặc trong bụng, thì bác sỹ thú y cần gây mê cho chó để mổ và làm sạch vùng nhiễm trùng và/hoặc làm sạch các vết thương bằng phẫu thuật.

Chăm sóc

Các bệnh nhiễm trùng thường kéo dài, do đó cần dùng kháng sinh lâu dài cũng với sự theo dõi bởi bác sỹ thú y. Điều quan trọng là cung cấp thuốc kháng sinh đúng thời hạn cho chó theo lời hướng dẫn của bác sỹ. Nếu vết thương cần băng bó, bác sỹ thú y cần đảm bảo các quy trình làm sạch và thay băng cẩn thận để vết thương có thể lành lại nhanh chóng. Bạn có thể phải sử dụng phễu đeo cổ Elizabeth (hình nón) để tránh việc chú chó của bạn tự liếm hay chạm vào vết thương.

Hãy chắc chắn nhớ đưa chó của bạn đến tái khám đúng hẹn để theo dõi thường xuyên các vết thương, có thể chúng cần được mở ra rửa sạch và băng bó lại nếu cần. Hồ sơ sinh hoá cũng sẽ được cập nhật sau mỗi lần tái khám để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.

Giữa các lần tái khám, bạn nên gọi cho bác sĩ thú y nếu bạn nhận thấy chú chó của bạn có bất kỳ thay đổi bất thường nào về hành vi. Nếu nó có vẻ rất mệt mỏi, chán ăn, hoặc có bất kỳ vết đỏ, sưng hoặc mủ ở chỗ vết thương, hãy hỏi ý kiến bác sĩ thú y của bạn ngay lập tức.

Trong quá trình chữa bệnh, bạn có thể cần cho chú chó của bạn tránh một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như bơi, hoặc hạn chế thời gian ngoài trời của chúng, để ngăn chặn việc các vùng bị thương bị nhiễm khuẩn.