Mủ tích tụ trong khoang ngực ở mèo

8671
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Viêm mủ màng phổi ở mèo

Viêm mủ màng phổi xảy ra khi mủ tích tụ trong khoang ngực (màng phổi) để phản ứng với nhiễm trùng. Mủ được tạo thành từ các tế bào máu trắng (bạch cầu trung tính) và các tế bào chết, là đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với nhiễm trùng. Ở giai đoạn cuối, các tế bào máu trắng chết đi, để lại chất lỏng màu vàng trắng – đặc trưng của mủ.

Mủ tích tụ trong khoang ngực khác với áp xe, do nó không tạo ra một bức tường mô để ngăn chặn vi khuẩn lây lan. Thay vào đó, mủ hình thành các túi dẫn đến màng phổi, tạo sẹo khoang và làm suy yếu chức năng phổi.

Nhiễm trùng do vi khuẩn trong khoang ngực có thể xâm nhập từ phổi hoặc thực quản. Mèo thường bị nhiễm trùng do các vết thương, vết cắn; khi hít phải dị vật, hoặc do lây lan từ nhiễm trùng phổi (viêm phổi) vào khoang ngực.

Bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả chó và mèo. Nếu bạn muốn biết cách bệnh ảnh hưởng đến chó, hãy truy cập trang này nhé.

Triệu chứng và các dạng bệnh

Mèo bị viêm mủ màng phổi thường biểu hiện các triệu chứng như sốc và suy hô hấp đột ngột; hoặc thậm chí ngất xỉu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mủ màng phổi gồm nhiễm trùng với vi khuẩn sau:

  • Pasteurella Multocida
  • Bacteroides
  • Peptostreptococcus
  • Fusobacterium

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Ung thư
  • Ký sinh trùng (ví dụ: Spirocerca lupi)
  • Vặn xoắn phổi (vặn xoắn thùy phổi)
  • Dị vật hiện diện trong khoang ngực
  • Vỡ khối u viêm trong thực quản

Chẩn đoán

Bạn sẽ cần cung cấp cho bác sĩ thú y hồ sơ sức khỏe của mèo cũng như các triệu chứng và các sự cố có thể dẫn đến tình trạng này, như các vết thương hoặc chấn thương ngực mà mèo đang gặp phải.

Bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc khám sức khỏe toàn diện, kiểm tra ngực của mèo để xác định tình trạng viêm mô tế bào (cellulite) hoặc sẹo. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra máu, bao gồm xét nghiệm thành phần hóa học máu, xét nghiệm công thức máu toàn bộ và xét nghiệm điện phân. Ngoài ra, mẫu mủ ở khoang ngực sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để đánh giá tế bào học (vi mô) và nhuộm gram – một quy trình làm cho vi khuẩn dễ nhìn thấy hơn bằng cách làm cho nó nổi bật so với các tế bào khác.

Một mẫu chất lỏng trong khoang màng phổi sẽ được nuôi cấy hiếu khí và kỵ khí (vi khuẩn cần oxy và vi khuẩn không cần oxy tương ứng), đồng thời kiểm tra huyết thanh để phát hiện sự hiện diện của tác nhân nấm. Nếu nghi ngờ có ký sinh trùng S.lupi, có thể cần kiểm tra thực quản.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng hình ảnh siêu âm và X-quang để kiểm tra bên trong khoang ngực của mèo. Những hình ảnh này sẽ cho thấy chất lỏng trong khoang ngực, có thể thấy xơ phổi, xẹp phổi hoặc u phổi.

Điều trị

Mèo mắc bệnh này nên được nhập viện để điều trị. Có thể mất vài ngày đến vài tuần để loại trừ hoàn toàn nhiễm trùng. Quan trọng nhất là cần thoát chất lỏng trong khoang ngực qua ống để chữa trị bệnh. Lồng ngực sẽ được rửa sạch (qua ống ngực) sau mỗi sáu đến tám giờ với nước muối ấm, vô trùng.

Coupage – một kỹ thuật liên quan đến việc tát nhanh vào tường ngực, nhưng không đủ lực để làm tổn thương mèo – có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn khỏi khoang ngực. Cần nuôi cấy lại vi khuẩn nếu tình trạng của mèo không cải thiện.

Mèo bị nhiễm bệnh nên được khuyến khích tập thể dục nhẹ nhàng – 10 phút mỗi sáu đến tám giờ – để thúc đẩy hơi thở và tăng tốc quá trình phục hồi. Nếu có áp xe trong phổi, làm cứng lớp lót của khoang ngực, vặn xoắn thùy phổi, các mụn mủ lan rộng, hoặc nếu có ảnh hưởng đến trung thất, mèo sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ dị vật nếu thấy có dị vật trên phim chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nếu bác sĩ chọn thực hiện phẫu thuật ngực, mèo sẽ được điều trị bằng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng từ vết rạch. Loại kháng sinh có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả kiểm tra độ nhạy và nuôi cấy.

Chăm sóc

Bác sĩ thú y sẽ sắp xếp các cuộc hẹn khám theo dõi hàng tháng cho mèo sau khi đã xuất viện, bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ và chụp X-quang để theo dõi tiến trình phục hồi, do có thể còn một số tổn thương phổi trong khoang ngực, nhưng chưa được phát hiện do sự hình thành mủ, chất lỏng.

Mèo nên tiếp tục dùng kháng sinh trong ít nhất một tháng sau khi đã hết nhiễm trùng, hoặc khi kết quả xét nghiệm máu bình thường hoặc không có chất lỏng tích tụ trên phim chụp X-quang của mèo. Phác đồ điều trị kháng sinh này thường từ 3 đến 12 tháng, hoặc có thể lâu hơn.

Tiên lượng bệnh là khá cho đến tốt nếu điều trị kháng sinh liên tục và thoát chất lỏng trong khoang ngực đầy đủ. Có thể để mức độ tập thể dục của mèo dần dần về bình thường trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tháng.