Bệnh gan nhiễm mỡ ở mèo

5473
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Bệnh gan nhiễm mỡ ở mèo

Hepatic lipidosis, thường được gọi là gan nhiễm mỡ, là một trong những bệnh gan nghiêm trọng phổ biến nhất ở mèo. Chức năng chính của gan bao gồm tổng hợp protein, sản xuất hóa chất cần thiết cho tiêu hóa và giải độc cơ thể. Gan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa, nhũ hóa chất béo, sản xuất các yếu tố đông máu (cần thiết cho quá trình đông máu), và trong sự phân hủy các tế bào hồng cầu. Gan có vai trò quan trọng như vậy với cơ thể, thực hiện rất nhiều chức năng phức tạp, mà không có cách nào để bù đắp cho sự mất mát của gan khi nó bị tổn thương.

Thông thường, khi một cơ thể bị suy dinh dưỡng hoặc bị bỏ đói, cơ thể sẽ tự động chuyển mỡ từ nơi dự trữ sang gan để chuyển hóa thành các lipoprotein để tái tạo năng lượng. Cơ thể của mèo không thể chuyển hóa một lượng lớn chất béo, vì vậy khi một con mèo đang ở trạng thái đói, chất béo được giải phóng vào gan sẽ không được xử lý một cách hiệu quả, dẫn tới gan nhiễm mỡ và hoạt động kém. Khi chất béo tích tụ trong gan, nó dần sưng lên và chuyển sang màu vàng. Bởi vì nó không thể xử lý các tế bào hồng cầu hiệu quả, sắc tố vàng tạo nên một phần của tế bào hồng cầu sẽ được giải phóng vào máu, gây ra vàng mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau và cuối cùng là tử vong.

Mèo có nhu cầu dinh dưỡng cao đối với protein, vì chúng là động vật ăn thịt nghiêm ngặt, do đó tình trạng thiếu protein hoặc không có khả năng xử lý protein sẽ nhanh chóng phát triển thành suy dinh dưỡng. Chán ăn và căng thẳng nghiêm trọng cũng liên quan đến rối loạn hormone,cũng có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất béo và gây ra sự dịch chuyển mỡ từ các bộ phận khác của cơ thể đến gan – với kết quả tương tự được mô tả ở đây. Tình trạng này cũng thường xảy ra cùng với bệnh tật, các giai đoạn căng thẳng, những thay đổi trong chế độ ăn uống, bệnh tiểu đường, bệnh thận, ung thư, nỗ lực giảm cân tích cực của chủ nuôi và bị lạc (xa nhà và bữa ăn).

Được phát hiện trên toàn thế giới, bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến mèo trưởng thành.

Triệu chứng và các dạng bệnh

  • Chán ăn kéo dài – thường trong vài tuần
  • Sụt cân nhanh
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Teo cơ
  • Trầm cảm
  • Cúi đầu và cổ xuống
  • Bệnh vàng da (ví dụ: vàng mắt)
  • Chảy nước dãi
  • Mèo có thể suy sụp trong các giai đoạn sau
  • Các triệu chứng khác sẽ liên quan đến bệnh nền, xảy ra đồng thời

Nguyên nhân

Trong hầu hết các trường hợp, có thể vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác

  • Bệnh gan
  • Ung thư
  • Bệnh tiểu đường
  • Viêm tuyến tụy (viêm tụy)
  • Bệnh thận
  • Bệnh khác
  • Các yếu tố nguy cơ quan trọng là béo phì, căng thẳng, thay đổi trong lối sống, bị lạc, chán ăn và các bệnh thường gặp

Chẩn đoán

Bạn sẽ cần phải cung cấp đầy đủ bệnh sử của mèo, sự khởi phát các triệu chứng và các sự việc có thể dẫn đến tình trạng này. Thông tin của bạn có thể cung cấp cho bác sĩ thú y các đầu mối về việc cơ quan nào gây ra các triệu chứng thứ cấp, và tình trạng cơ bản nào có thể làm cho gan bị bệnh.

Xét nghiệm thường quy trong phòng thí nghiệm sẽ bao gồm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm hóa sinh và phân tích nước tiểu. Xét nghiệm máu có thể cho thấy các tế bào hồng cầu có kích thước bất thường (hồng cầu đa hình dạng), và sự phá hủy các tế bào hồng cầu (tán huyết). Cũng có thể có sự gia tăng enzyme, alkaline phosphatase (ALP), có thể là dấu hiệu của suy gan. Xét nghiệm hóa sinh có thể cho thấy nồng độ men gan và bilirubin cao bất thường, và phân tích nước tiểu cũng có thể cho thấy nồng độ bilirubin cao trong nước tiểu. Vì gan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và những bất thường liên quan đến đông máu cũng có thể thấy rõ ở những con mèo bị bệnh.

Các công cụ hình ảnh bao gồm chụp X-quang và siêu âm để kiểm tra vùng bụng, có thể cho biết sự gia tăng kích thước của gan, cũng như để đánh giá chi tiết các cấu trúc và bất thường của gan. Để xác định chẩn đoán, bác sĩ thú y sẽ cần lấy mẫu mô gan, bằng sinh thiết hoặc chọc hút, bằng kim, để kiểm tra các tế bào gan và các bất thường liên quan, bao gồm tích tụ các giọt chất béo trong các tế bào này – một sự xác nhận tình trạng nhiễm mỡ.

Điều trị

Trong trường hợp bệnh nặng hoặc trong giai đoạn tiến triển, mèo có thể cần phải nhập viện để được chăm sóc và điều trị tích cực. Liệu pháp truyền dịch sẽ được thực hiện để khắc phục tình trạng mất cân bằng dịch và điện giải. Bác sĩ thú y có thể bổ sung vitamin cho mèo của bạn, bao gồm các vitamin nhóm B, cobalamin và thiamin. Mèo sẽ được ra viện khi tình trạng của nó đã ổn định.

Việc điều trị chính cho tình trạng này là chế độ ăn uống. Nhu cầu protein của mèo sẽ cần phải được đáp ứng ngay lập tức để giải quyết tình trạng đói. Nếu mèo không sẵn sàng tự ăn đủ thức ăn, bạn sẽ cần phải cho mèo ăn, bằng cách đặt thức ăn ở một vị trí trong miệng, nơi nó buộc phải nuốt, hoặc qua ống tiêm hoặc một ống dẫn thức ăn được đặt sâu trong thực quản. Điều này có thể cần phải được thực hiện trong vài tuần, cho đến khi mèo của bạn hoàn toàn có thể tự ăn. Bạn sẽ cần phải rất cẩn thận khi đặt thức ăn vào miệng hoặc thực quản của mèo, vì bạn sẽ cần phải ngăn ngừa tình huống mèo hít thức ăn vào – có thể dẫn đến viêm phổi hít.

Thức ăn bạn cho mèo ăn cần phải luôn dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng được khuyến cáo cho mèo bệnh, và bác sĩ thú y sẽ kê công thức thức ăn phù hợp cho mèo dựa vào nhu cầu dinh dưỡng, tuổi và giống của mèo. Các thực phẩm bổ sung bao gồm L-carnitine, taurine và Vitamin E cũng sẽ được bổ sung vào kế hoạch chế độ ăn uống.

Chăm sóc

Chẩn đoán và điều trị sớm là những yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh thành công. Nếu mèo của bạn vẫn sống sót qua những ngày đầu, thì tiên lượng hồi phục hoàn toàn là rất tốt. Bạn phải tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn của bác sĩ thú y về việc điều trị, cho ăn và chăm sóc mèo. Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh gan nhiễm mỡ, do đó thực hiện theo các chỉ dẫn về chế độ ăn uống để giảm thiểu yếu tố nguy cơ này.

Nếu bạn cho mèo ăn bằng ống dẫn thức ăn hoặc bằng bất kỳ phương pháp cho ăn cưỡng bức nào khác, hãy đảm bảo tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ thú y về việc cho ăn và chế độ ăn uống. Mèo của bạn có thể gây khó khăn khi cho ăn, vì vậy bạn có thể cần phải thiết lập thời gian ăn để có người thứ hai hỗ trợ bạn, và để bạn có thể cho mèo ăn ở những khu vực dễ lau chùi sau đó.

Tránh những sự kiện căng thẳng nhiều nhất có thể và dành một khoảng không gian riêng trong nhà của bạn cho mèo để nó có thể nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh xa các hoạt động đi lại trong gia đình, trẻ em đang chơi đùa và các vật nuôi khác.

Có thể cần có các buổi khám theo dõi để đánh giá tình trạng của mèo trong thời gian điều trị và phục hồi. Bạn sẽ được yêu cầu theo dõi và giám sát cân nặng, lượng nước trong cơ thể, và các chỉ số sức khỏe tổng quát khác của mèo. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng không mong muốn nào ở mèo.

Hầu hết mèo bệnh thường hồi phục trong vòng 3-6 tuần.