6 dấu hiệu cho thấy cần phải thay đổi thức ăn cho chó

4887
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Chọn thức ăn cho chó có thể là một quá trình đòi hỏi bạn phải chịu khó. Rất nhiều người gắn bó với cùng một loại thức ăn trong suốt cuộc đời của chó. Theo tiến sĩ Jessica Vogelsang, “Sự thật là chúng ta đều biết nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi thay đổi theo thời gian do các yếu tố như giai đoạn sống, sức khỏe tổng quát và mức độ hoạt động của chúng.”

Chó ở tuổi nào thì nên thay đổi thức ăn?

Khi nói đến dinh dưỡng, có ba giai đoạn sống mà các chuyên gia tin đó là thời điểm quan trọng trong cuộc đời của một chú chó mà bạn cần trao đổi với bác sĩ thú y. Đầu tiên là giai đoạn cún con. Trong giai đoạn này, thức ăn cho chó có tỷ lệ “tăng trưởng” là cần thiết vì được thiết kế đặc biệt cho chó con và mèo con theo chuẩn AAFCO (Hiệp hội quản lý thực phẩm chăn nuôi Mỹ, là tổ chức đặt ra tiêu chuẩn cho thức ăn chăn nuôi ở Mỹ). Tiến sĩ Lorie Huston cho biết: “Chó con và mèo con đang phát triển đòi hỏi thức ăn nuôi dưỡng có hàm lượng protein và calo cao hơn… để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của chúng. Nếu những nhu cầu dinh dưỡng này không được đáp ứng, chó con hoặc mèo con có thể bị còi cọc và bị bệnh”. Thức ăn vật nuôi được gắn nhãn cho “giai đoạn sinh sản” hoặc “mang thai/cho con bú” cũng rất có ích cho chó hoặc mèo cái đang mang thai, cho con bú.

Giai đoạn sống thứ hai mà bạn nên tham khảo bác sĩ thú y để tiến hành thay đổi chế độ dinh dưỡng là giai đoạn trưởng thành. Tiến sĩ Huston cho biết: “Béo phì là bệnh dinh dưỡng phổ biến nhất được thấy ở cả chó và mèo ngày nay. Một lý do giải thích tình trạng này là do chủ cho ăn không đúng cách trong giai đoạn phát triển trưởng thành. Ví dụ, chó hay mèo [trưởng thành] – đặc biệt là chó rất lười vận động, có nguy cơ bị thừa cân hoặc thậm chí béo phì nếu cho ăn thức ăn của chó con hoặc mèo con. Thức ăn cho thú cưng được gắn nhãn phù hợp với “tất cả các giai đoạn sống” cũng có thể chứa quá nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng mà thú cưng trưởng thành của bạn không cần, vì các loại chất này được thêm vào để bổ sung cho mèo con và chó con. Thay vào đó, bạn nên tìm loại thức ăn cho chó được AAFCO đánh giá là “nuôi dưỡng tuổi trường thành”.

Giai đoạn sống thứ ba cần được chú ý là giai đoạn lão hóa. Vật nuôi lớn tuổi thường mắc bệnh nên sẽ tốt hơn nếu chế độ dinh dưỡng được điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, bác sĩ thú y có thể đề nghị thức ăn có chứa glucosamine hoặc các axit béo như DHA và EPA cho những con chó lớn tuổi vận động kém. Theo Tiến sĩ Huston, cho ăn thức ăn vật nuôi thích hợp đôi khi cũng có thể là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát bệnh như bệnh thận mãn tính và bệnh tim. AAFCO không đưa ra thức ăn chỉ định cho chó lớn tuổi, vì vậy hãy tìm loại thức ăn vật nuôi có gắn nhãn dành cho chó trưởng thành để làm thực phẩm cho chó già nhà bạn.

Những dấu hiệu khác cho thấy đã đến lúc thay đổi thức ăn cho chó?

Ngoài việc tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về dinh dưỡng khi con chó nhà bạn trải qua những thay đổi trong giai đoạn sống và lối sống thì điều quan trọng là phải chú ý đến các dấu hiệu rõ ràng nhất định báo hiệu cho chúng ta thấy cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Dưới đây là sáu dấu hiệu phổ biến bạn cần chú ý…

1. Lông xỉn màu, lưa thưa

Chế độ dinh dưỡng giàu axit béo thiết yếu là thành phần quan trọng để duy trì độ khỏe mạnh của da chó và lớp lông. Nhiều thức ăn cho chó được thiết kế tập trung cải thiện làn da và lớp lông. Hãy tìm chế độ dinh dưỡng có chứa cả các axit béo Omega-3 và Omega-6 để làm cho lông sáng bóng và tươi tắn vào mọi lúc.

2. Lờ đờ, suy yếu

Nếu con chó của bạn gần đây phải đối mặt với căng thẳng, bệnh tật hoặc phẫu thuật, chắc chắn trông chúng có phần héo mòn. Chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, thúc đẩy quá trình phục hồi của chó và nhanh chóng khỏe mạnh. Hãy nhớ rằng: một con chó đột nhiên lờ đờ và yếu ớt nên được đưa đi khám tại bác sĩ thú y trước khi thực hiện thay đổi chế độ dinh dưỡng.

3. ‘Lười vận động khi về già’

Tùy thuộc vào kích thước của động vật, vật nuôi ở tuổi trung niên đến cao tuổi vào khoảng 5-7 tuổi. Và khi những con chó của chúng ta già đi, nhu cầu dinh dưỡng của chúng cũng thay đổi. Ví dụ, chế độ dinh dưỡng cần giảm hàm lượng calo, tăng chất xơ và thường bổ sung vài chất cụ thể cho giai đoạn này để hỗ trợ khớp và chống oxy hóa. Tiến sĩ Vogelsang nói rằng hãy kiêng các thức ăn có nhãn dành cho “tất cả các giai đoạn sống” cho vật nuôi lớn tuổi. Mèo con và chó con thích loại thức ăn này nhưng chúng cung cấp quá nhiều “chất béo và chất dinh dưỡng không cần thiết cho vật nuôi lớn tuổi”.

4. Béo bụng

Bạn có lẽ sẽ bị giật mình vì thú nuôi tăng cân nhanh và điều này đặc biệt đáng chú ý với những con chó nhỏ. Bác sĩ Vogelsang cho biết: “Nếu thú cưng của bạn cần giảm vài inch thì chế độ dinh dưỡng đặc biệt được chỉ định để giảm cân sẽ đảm bảo vẫn có đủ lượng chất dinh dưỡng thiết yếu, vitamin và khoáng chất nhưng có ít calo hơn”. Những chế độ dinh dưỡng này tận dụng các nghiên cứu mới nhất về kiểm soát trọng lượng vật nuôi, đảm bảo con chó của bạn có trọng lượng lý tưởng hơn vào mọi lúc! Tuy nhiên, nếu chó của bạn thừa cân hoặc béo phì, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về giải pháp dinh dưỡng trị liệu.

5. Rối loạn GI

Theo tiến sĩ Vogelsang, “Đầy hơi mãn tính, phân lỏng hoặc dạ dày sôi ùng ục có thể là do không dung nạp thức ăn hoặc do chất lượng thực phẩm mà bạn đang cho thú cưng của bạn ăn không đảm bảo”. Rối loạn GI sẽ mang lại nhiều bất tiện cho chủ và thú cưng cũng không cảm thấy dễ chịu chút nào. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để thực hiện các giải pháp dễ dàng hơn như chuyển sang thức ăn cao cấp cho chó hoặc chế độ dinh dưỡng dành cho dạ dày nhạy cảm phù hợp với thú cưng của bạn.

6. Ngứa ngáy

Dị ứng thường gặp ở vật nuôi và thức ăn chỉ là một trong những nguyên nhân có thể xảy ra. Mặc dù vậy, bất kể nguyên nhân là gì, dị ứng có thể thuyên giảm nhờ vào chế độ dinh dưỡng ít chất gây dị ứng, làm giảm số lượng các chất gây dị ứng tiềm tàng mà động vật được tiếp xúc. Bác sĩ thú y có thể giới thiệu chế độ dinh dưỡng theo toa hoặc chế độ dinh dưỡng nhạy cảm không kê đơn, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của thú cưng nhà bạn.

Lên kế hoạch để đạt sự thành công

Chọn chế độ dinh dưỡng thích hợp là một trong những cách quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho con chó nhà bạn, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho việc thăm khám y tế. Nếu bạn nghĩ bệnh tình của chó sẽ thuyên giảm nếu chúng có chế độ dinh dưỡng mới thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y! Thức ăn ngon và lựa chọn tốt sẽ mang lại cho chó cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hạnh phúc.